Sàn đấu lớn
Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 42 có sự tham dự của 1.006 thí sinh đến từ 67 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, nhiều nước được đánh giá là “sừng sỏ” về kỹ thuật, công nghệ như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đức, Pháp,... Có tới 45 nghề thi chính thức và 1 nghề trình diễn thuộc 6 lĩnh vực ngành nghề bao gồm: Công nghiệp xây dựng; sáng tạo nghệ thuật và thời trang; công nghệ thông tin và truyền thông; công nghệ chế tạo máy và sản xuất; dịch vụ cá nhân và xã hội; logistic và vận tải.
Ông Dương Đức Lân - Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) – trưởng đoàn Việt Nam tham dự hội thi tay nghề thế giới cho biết, trước khi tham dự kỳ thi, các em thí sinh trong đoàn thường có tâm lý căng thẳng, bởi nhận được sự quan tâm, kỳ vọng lớn từ các cơ quan, ban ngành. Khi sang đến nơi, dù chuẩn bị sẵn tâm lý nhưng các em lại một lần nữa “ngợp” vì sự hùng mạnh của các đội bạn. Chúng tôi xác định cho các em hiểu ở cuộc thi này, ngoài nỗ lực thi đấu hết sức mình để mang vinh quang về cho tổ quốc, quan trọng hơn đây còn là một cơ hội cọ xát, giao lưu, học hỏi cho các em. Tôi đánh giá thành tích 7 chứng chỉ nghề xuất sắc với điểm trung bình cao hơn kỳ thi trước là rất đáng ghi nhận.
Cũng theo ông Lân, điểm trung bình của đoàn Việt Nam đạt 499,83 điểm. Chung cuộc, chúng ta xếp trên cả Canada, Na Uy, New Zealand, Mỹ, Nga,... Trong khu vực, top 3 nước có thành tích cao nhất, nước ta xếp trên Indonesia (485,83 điểm) và sát nút Thái Lan (500,4 điểm).
“Đắt khách”
Thời điểm này, theo tìm hiểu của chúng tôi, có tới 4/7 thí sinh đạt chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc đã được nhà trường nơi các em học tập đề nghị ở lại làm công tác giảng giạy. Những em còn lại đều đã được các công ty, doanh nghiệp “nhắm” đến và cũng đang đứng trước nhiều lựa chọn công việc với mức thu nhập rất hấp dẫn. Điều đáng nói là, trong số các nghề đạt chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc tại đấu trường lớn nhất thế giới, có những nghề mà hiện nay, ở nước ta, nhiều bậc phụ huynh và các em học sinh lại không quan tâm và dành thiện cảm như nghề xây gạch, ốp lát tường và sàn.
Em Nhữ Thị Phương - học sinh Trường Cao đẳng nghề Du lịch và dịch vụ Hải Phòng - dự thi nghề dịch vụ nhà hàng - thí sinh nữ duy nhất trong số 7 “hạt giống đỏ” trở về từ kỳ thi lần này cho biết, với sự “đắt khách” của các thí sinh trở về từ cuộc thi, em mong các bạn đồng trang lứa và các thế hệ đi sau sẽ quan tâm và lựa chọn học nghề nhiều hơn.
Thực tế cho thấy, không chỉ những thí sinh đạt chứng chỉ từ kỳ thi tay nghề thế giới mới được săn đón, mà hầu hết các em trong đội tuyển đều đã “có nơi có chốn” bởi lời đề nghị làm việc từ phía nhiều cơ quan, doanh nghiệp. Tại kỳ thi tay nghề cấp quốc gia và khu vực, đa số các em đạt thành tích cao đều đã tìm được công việc ổn định và mức lương hàng chục triệu đồng/tháng.
Ngay tại lễ vinh danh đoàn dự thi kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 42, ngoài các bằng khen, giấy khen các cấp trao thưởng cho thí sinh đạt chứng chỉ, rất nhiều doanh nghiệp đã đến chia vui, trao phần thưởng bằng hiện vật, tiền,... cho các thí sinh. Đây là minh chứng sinh động nhất cho sự quan tâm của các doanh nghiệp với những công nhân kỹ thuật chất lượng và thực sự có tay nghề.
Sự săn đón của nhiều doanh nghiệp với các “hạt giống đỏ” gợi lên nhiều suy ngẫm khi nhớ đến sự ế ẩm của rất nhiều cử nhân, thạc sĩ có “bằng đỏ” trong tay nhưng lại chật vật cả năm trời chưa tìm được công việc đúng chuyên ngành hoặc có mức thu nhập ổn định.
Bà Phạm Thị Hải Chuyền – Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - cho biết, trong giai đoạn tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các cơ sở dạy nghề phát triển mạnh với quy mô tăng, chất lượng cải thiện, hiệu quả có nhiều chuyển biến, đào tạo gắn với sử dụng lao động.
Thành tựu của đoàn dự kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 42 là hết sức có ý nghĩa trong việc học tập kinh nghiệm các nước trên thế giới nhằm đáp ứng và ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới, tìm ra mô hình đào tạo rèn luyện thích hợp, hiệu quả hơn cho lao động có tay nghề cao, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011 – 2020 là nâng cao chất lượng đào tạo, hình thành đội ngũ lao động lành nghề góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho quốc gia.
(Theo Báo lao động)